&ev=PageView&noscript=1 />

QUYỀN ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Chấm dứt hợp đồng lao động là quyền lợi quan trọng của người lao động được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, để đảm bảo hợp pháp và tránh hậu quả pháp lý, người lao động cần nắm rõ các quy định cụ thể và trách nhiệm của mình trong từng trường hợp.

1. Quyền chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp

Người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần nêu lý do, với điều kiện tuân thủ đúng thời gian báo trước. Theo Khoản 1 Điều 35 thuộc Bộ luật Lao động 2019, thời hạn báo trước phụ thuộc vào loại hợp đồng:

  • Hợp đồng không xác định thời hạn: Báo trước ít nhất 45 ngày.
  • Hợp đồng xác định thời hạn từ 12 đến 36 tháng: Báo trước ít nhất 30 ngày.
  • Hợp đồng xác định thời hạn dưới 12 tháng: Báo trước ít nhất 3 ngày làm việc.

Ngành nghề đặc thù:

Một số ngành, nghề đặc thù có thời hạn báo trước khác được hướng dẫn bởi Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP bao gồm:

  • Ngành hàng không, hàng hải: Thời hạn báo trước tối thiểu 120 ngày hoặc 1/4 thời hạn hợp đồng nếu hợp đồng dưới 12 tháng.
  • Quản lý doanh nghiệp: Theo Luật Doanh nghiệp và các quy định khác​

Trường hợp được miễn báo trước:

Tuy nhiên theo quy định tại Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 thì NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

  • Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019;
  • Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019;
  • Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
  • Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
  • Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019;
  • Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
  • Người sử dụng cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
  • Hợp đồng thử việc (theo quy định tại Khoản 2, Điều 27 Bộ luật Lao động 2019).

2. Hậu quả pháp lý khi chấm dứt trái pháp luật

Nếu người lao động không tuân thủ quy định về báo trước hoặc không thuộc các trường hợp đặc biệt được miễn báo trước, việc chấm dứt hợp đồng sẽ bị coi là trái pháp luật. Khi đó, người lao động có thể phải đối mặt với các hậu quả pháp lý như:

Bồi thường:

Người lao động sẽ phải bồi thường nửa tháng tiền lương theo hợp đồng cho người sử dụng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương của thời gian báo trước chưa thực hiện, 

Hoàn trả chi phí đào tạo:

Người lao động phải hoàn lại toàn bộ chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động (nếu có)​

Không được nhận trợ cấp thôi việc:

Người lao động có thể bị mất quyền nhận trợ cấp thôi việc hoặc các quyền lợi khác do vi phạm quy định pháp luật​

3. Quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp pháp

Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật, người lao động được pháp luật bảo vệ và đảm bảo các quyền lợi cơ bản như:

Thanh toán các khoản tiền còn lại:

Người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động. Theo Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, việc thanh toán phải được thực hiện trong vòng 14 ngày làm việc, trường hợp đặc biệt không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng.

Thanh toán tiền lương cho ngày nghỉ phép chưa sử dụng:

Theo khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, nếu người lao động chưa nghỉ hoặc chưa sử dụng hết số ngày nghỉ phép hàng năm, họ sẽ được thanh toán tiền lương tương ứng với số ngày nghỉ chưa sử dụng.

Nhận trợ cấp thôi việc:

Người lao động đủ điều kiện sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc theo Điều 46 Bộ luật Lao động 2019. Điều kiện bao gồm:

  • Chấm dứt hợp đồng đúng quy định (người lao động đơn phương chấm dứt hợp pháp hoặc hợp đồng hết hạn).
  • Thời gian làm việc đủ từ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động.

Cách tính trợ cấp thôi việc:

  • Mức trợ cấp: Mỗi năm làm việc được hưởng nửa tháng tiền lương.
  • Thời gian làm việc tính trợ cấp: Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
  • Tiền lương để tính trợ cấp: Là mức bình quân tiền lương của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Nếu người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc sẽ không thuộc về người sử dụng lao động mà do cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện.

Hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Tiền trợ cấp thất nghiệp được chi trả từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, không phải từ người sử dụng lao động. Người lao động cần đáp ứng các điều kiện theo Điều 49 Luật Việc làm 2013, bao gồm:

  • Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi nghỉ việc.
  • Đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp trong vòng 3 tháng kể từ khi nghỉ việc.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp:

  • Tương đương 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
  • Giới hạn tối đa: Không quá 5 lần mức lương cơ sở (đối với người hưởng chế độ lương do nhà nước quy định) hoặc Không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng (đối với người hưởng chế độ lương từ doanh nghiệp ngoài nhà nước).

Số tháng được hưởng trợ cấp:

  • Đóng đủ 12 đến 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp: Được hưởng 3 tháng trợ cấp.
  • Mỗi 12 tháng đóng thêm: Được hưởng thêm 1 tháng, tối đa không quá 12 tháng.

Hoàn trả sổ bảo hiểm xã hội và giấy tờ liên quan: Người sử dụng lao động phải hoàn trả các giấy tờ cho người lao động, gồm:

  • Sổ bảo hiểm xã hội: Sau khi hoàn tất thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp.
  • Giấy tờ khác: Nếu người lao động đã giao cho người sử dụng lao động lưu giữ.

4. Tư vấn thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động

Để tránh các vấn đề pháp lý và đảm bảo quyền lợi cá nhân, người lao động cần:

  • Tham khảo luật hoặc nhờ sự tư vấn từ chuyên gia pháp lý trước khi đưa ra quyết định.
  • Chuẩn bị tài liệu, bằng chứng nếu việc chấm dứt hợp đồng thuộc trường hợp đặc biệt như bị ngược đãi, không được trả lương đúng hạn.Thực hiện đúng thủ tục thông báo và bàn giao công việc để tránh mâu thuẫn hoặc hiểu lầm.

Chấm dứt hợp đồng lao động là quyết định quan trọng, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng và hiểu biết pháp luật. Việc thực hiện đúng quy định không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động mà còn tránh những rủi ro pháp lý không đáng có.

☎️ Thông tin liên hệ:
📍 Website: lawplus.vn
📍 Email: info@lawplus.vn
📍 Hotline: 0965 052 039 / 0966 008 030 (WhatsApp, Viber, Zalo)
📍 Address: 86 Xuan Thuy street, Thao Dien ward, Thu Duc city, Ho Chi Minh City, Viet Nam.
Bài viết liên quan