Từ ngày 01/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024 chính thức có hiệu lực, mang đến nhiều cải cách sâu rộng về quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động. Bài viết dưới đây của Law Plus tổng hợp 7 điểm mới quan trọng, đúc kết từ các văn bản pháp luật như Luật Bảo hiểm xã hội 2024, Nghị định 73/2024/NĐ-CP, Công văn 144/BHXH… để giúp doanh nghiệp và người lao động nắm bắt và chuẩn bị áp dụng.
1. Hạn chế rút BHXH một lần nếu tham gia từ ngày 01/7/2025
Theo điểm đ, khoản 1, Điều 70 Luật BHXH 2024, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/7/2025 sẽ không còn được rút BHXH một lần, trừ các trường hợp ngoại lệ sau:
- Đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ 15 năm đóng BHXH;
- Ra nước ngoài để định cư;
- Bị bệnh hiểm nghèo hoặc nguy kịch (ung thư, xơ gan giai đoạn cuối, AIDS…);
- Có thời gian đóng trước 01/7/2025, đã ngừng đóng trên 12 tháng, tổng thời gian đóng dưới 20 năm và không tiếp tục đóng tự nguyện.
- Người chấm dứt HĐLĐ, giấy phép lao động/hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn.
Lưu ý: Việc không rút BHXH một lần là bước thay đổi mang tính định hướng dài hạn, nhằm khuyến khích người lao động duy trì đóng và được hưởng lương hưu thay vì nhận trợ cấp ngắn hạn.
2. Giảm thời gian đóng để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm
Theo khoản 1 Điều 64, Luật mới giảm thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, với điều kiện:
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định;
- Có ít nhất 15 năm đóng BHXH.
Cách tính mức lương hưu:
- Nam giới: đóng 15 năm được 45%, từ năm thứ 16 trở đi tăng thêm 2%/năm, tối đa 75%.
- Nữ giới: đóng 15 năm được 45%, từ năm thứ 16 trở đi tăng thêm 2%/năm.
Ngoài ra, nếu người lao động tiếp tục đóng BHXH sau khi đã đủ điều kiện nghỉ hưu, sẽ được trợ cấp một lần, bằng 2 tháng lương bình quân cho mỗi năm đóng thêm.
3. Cộng gộp thời gian đóng BHXH trong và ngoài nước
Theo khoản 4 Điều 66 Luật BHXH 2024, thời gian đóng BHXH của người lao động có thể được cộng gộp nếu:
- Có thời gian làm việc tại nước ngoài;
- Là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
Được cộng gộp thời gian đóng BHXH nếu Việt Nam có ký kết hiệp định song phương hoặc đa phương về BHXH. Quy định này góp phần bảo vệ quyền lợi xuyên biên giới cho lao động di cư và chuyên gia quốc tế.
4. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện
4.1. Đối với BHXH bắt buộc:
- Chủ hộ kinh doanh;
- Người quản lý, kiểm soát viên, đại diện phần vốn nhà nước tại công ty;
- Thành viên HĐQT, Ban kiểm soát của hợp tác xã không hưởng lương;
- Lao động không trọn thời gian nhưng có thu nhập ≥ lương tối thiểu;
- Người làm việc theo thỏa thuận không chính danh nhưng có trả công;
- Người hoạt động không chuyên trách cấp xã, dân quân thường trực.
4.2. Đối với BHXH tự nguyện:
- Mở rộng đối tượng: bao gồm người tạm hoãn HĐLĐ nếu không tiếp tục đóng BHXH bắt buộc;
- Người tham gia BHXH tự nguyện sau 6 tháng sẽ được hưởng thêm chế độ thai sản và tai nạn lao động;
- Mức trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng/con khi sinh hoặc thai chết chết ≥ 22 tuần);
- Mức trợ cấp tai nạn lao động dựa theo Luật An toàn, vệ sinh lao động.
5. Thay đổi thời hạn kê khai tăng, giảm lao động tham gia BHXH
Theo khoản 1 Điều 28 Luật BHXH 2024, doanh nghiệp phải:
- Kê khai người lao động thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH trong vòng 30 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ;
- Hồ sơ kê khai chậm phải kèm giải trình bằng văn bản;
- Nếu chậm làm ảnh hưởng quyền lợi người lao động, có thể phải bồi thường.
6. Thay đổi khái niệm “lương cơ sở” bằng “mức tham chiếu”
Luật BHXH 2024 chính thức bỏ khái niệm “lương cơ sở”, thay vào đó là “mức tham chiếu” do Chính phủ công bố.
Mức tham chiếu được điều chỉnh định kỳ, căn cứ vào:
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI);
- Tăng trưởng GDP;
- Khả năng của Quỹ BHXH và ngân sách nhà nước.
Ban đầu, mức tham chiếu sẽ bằng mức lương cơ sở hiện hành (2.340.000 đồng/tháng), sau đó thay đổi linh hoạt theo bối cảnh kinh tế – xã hội.
7. Giảm tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Trước đây, người không có lương hưu chỉ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi từ 80 tuổi trở lên. Theo Điều 21 Luật BHXH 2024, từ 01/7/2025:
- Người không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng: được hưởng từ 75 tuổi;
- Người nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt: được hưởng từ 70 tuổi.
Mức trợ cấp dự kiến vào khoảng 500.000 đồng/tháng, được điều chỉnh 3 năm/lần, được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế và hỗ trợ phí mai táng khi qua đời; tuy nhiên sẽ có hướng dẫn cụ thể bằng Nghị định.
8. Một số thay đổi bổ sung đáng chú ý
8.1. Chế độ ốm đau
- Cho phép nghỉ hưởng ốm đau nửa ngày, mức hưởng cũng tính theo tỷ lệ 50% của 1 ngày.
- Bỏ giới hạn 180 ngày đối với bệnh dài ngày: thời gian nghỉ sẽ phụ thuộc vào thâm niên đóng BHXH và tính chất công việc.
Ví dụ:
- Đã đóng BHXH <15 năm: nghỉ 30 ngày;
- Từ 15≤30 năm: 40 ngày;
- Từ 30 năm: 60 ngày;
- Nếu làm việc nặng nhọc, nguy hiểm: cộng thêm 10 ngày.
8.2. Chế độ thai sản
- Thêm các trường hợp được hưởng: thai ngoài tử cung, thai chết lưu, điều trị vô sinh.
- Chồng được nghỉ thai sản nếu vợ bị biến cố khi mang thai ≥22 tuần.
- Mang thai hộ: nếu người mẹ nhờ không đủ điều kiện, chồng hoặc bên mang thai hộ đủ điều kiện vẫn được nhận trợ cấp một lần.
8.3. Tăng quyền cho người thụ hưởng BHXH
- Được ủy quyền nhận lương hưu đến 12 tháng;
- Được yêu cầu chi trả tại nơi cư trú nếu ≥80 tuổi;
- Được thanh toán chi phí giám định nếu đi khám độc lập nhưng đủ điều kiện hưởng chế độ;
- Có quyền từ chối nhận BHXH hoặc khiếu nại/tố cáo theo quy định pháp luật.
9. Siết chặt quy định xử phạt doanh nghiệp chậm/trốn đóng BHXH
9.1. Chậm đóng
Doanh nghiệp bị coi là chậm đóng nếu:
- Nộp thiếu/quá hạn theo phương thức tháng, quý, hoặc 6 tháng;
- Không đăng ký hoặc đăng ký thiếu người thuộc diện bắt buộc trong 60 ngày;
- Phải nộp phạt 0,03%/ngày số tiền chậm đóng.
9.2. Trốn đóng
Doanh nghiệp bị coi là trốn đóng nếu:
- Cố tình đăng ký lương thấp hơn thực tế;
- Không thực hiện nghĩa vụ trong 60 ngày sau khi hết hạn quy định;
- Có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu hình sự;
- Không được xét khen thưởng hoặc tặng danh hiệu thi đua.
10. Trách nhiệm mới của người sử dụng lao động
- Phải bồi thường cho người lao động nếu hành vi trốn/chậm đóng BHXH gây thiệt hại;
- Phối hợp với BHXH trong thu hồi quyền lợi hưởng sai của người lao động (nếu có).
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 mang đến nhiều thay đổi quan trọng về điều kiện, chế độ và đối tượng tham gia. Những điều chỉnh này không chỉ tăng tính linh hoạt, công bằng trong tiếp cận chính sách mà còn hướng đến việc ổn định và phát triển hệ thống an sinh xã hội lâu dài.
Việc nắm bắt kịp thời và hiểu đúng các quy định mới sẽ giúp người lao động bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời hỗ trợ các đơn vị sử dụng lao động thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo luật định.