Thủ tục ly hôn không chỉ bao gồm thủ tục về nhân thân mà còn bao gồm thủ tục về tài sản. Vậy, tài sản nào cần phải được phân chia? Việc phân chia tài sản chung của vợ chồng được thực hiện theo trình tự, thủ tục như thế nào?
Với kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực Hôn nhân và gia đình, Law Plus xin cung cấp đến Quý khách hàng những quy định cơ bản về phân chia tài sản khi ly hôn theo pháp luật hiện hành.
Table of Contents/Mục lục
I. CÁCH THỨC PHÂN CHIA
1.1. Thứ tự phân chia
Theo Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP: Khi ly hôn, vợ chồng có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thoả thuận được với nhau về việc phân chia tài sản thì Tòa án sẽ xem xét quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng để xử lý việc phân chia. Chế độ tài sản của vợ chồng có thể là theo thoả thuận hoặc theo luật định.
a. Áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận để phân chia tài sản
Trong thời kỳ hôn nhân, nếu vợ chồng có thoả thuận và xác lập chế độ tài sản theo thoả thuận, đồng thời thoả thuận không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng nội dung của thoả thuận này để phân chia tài sản của vợ chồng. Vợ chồng có thể tự thực hiện việc phân chia tài sản mà không cần qua thủ tục tố tụng tại Tòa án.
Trường hợp vợ chồng có thoả thuận và xác lập chế độ tài sản theo thoả thuận nhưng thoả thuận này không rõ ràng, không đầy đủ thì căn cứ vào khoản 1 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình và điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, Tòa án có quyền áp dụng chế độ tài sản theo luật định.(phân tích tại mục b) để giải quyết việc phân chia. Bên cạnh đó, trường hợp vợ chồng.có xác lập thoả thuận phân chia tài sản nhưng văn bản này.bị Tòa án tuyên bố vô hiệu thì.trường hợp này sẽ áp dụng chế độ tài sản.theo luật định (phân tích tại mục b) để giải quyết việc phân chia, căn cứ theo.điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch.số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.
Ngoài ra:
Nếu trong thời kỳ hôn nhân, các bên vợ chồng.không xác lập chế độ tài sản theo thoả thuận.mà trong quá trình tố tụng tại Tòa án, các bên có thể thoả thuận được với nhau.về việc phân chia tài sản thì Tòa án vẫn ưu tiên áp dụng.việc phân chia tài sản theo sự thoả thuận của vợ, chồng.để giải quyết việc phân chia.
Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy, pháp luật tôn trọng và ưu tiên áp dụng việc vợ chồng tự thoả thuận hoặc giữa vợ, chồng đã tồn tại thoả thuận áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng để giải quyết việc phân chia. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc thoả thuận hay văn bản xác lập chế độ tài sản của vợ chồng đều được pháp luật thừa nhận và thực thi trên thực tế. Việc tự thoả thuận hoặc áp dụng chế độ phân chia theo thoả thuận cần đảm bảo hình thức, nội dung không trái với luật định (tự do thoả thuận nhưng nằm trong khuôn khổ của pháp luật).
b. Áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để phân chia tài sản
Đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì Tòa án áp dụng các quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 59 và các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật hôn nhân và gia đình để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
1.2. Tài sản phân chia
Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có thể có tài sản chung và tài sản riêng. Theo đó, tài sản phân chia khi ly hôn.là tài sản chung của vợ chồng, quy định tại.Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình. Ngoài ra, tài sản riêng của vợ hoặc chồng.đã nhập vào tài sản chung của vợ chồng theo quy định.của Luật hôn nhân và gia đình cũng được liệt kê.vào tài sản phân chia khi ly hôn.
Tài sản riêng của vợ, chồng.(quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình).thuộc quyền sở hữu của người đó. Việc chứng minh tài sản.được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân.đòi hỏi phải có căn cứ chứng minh đầy đủ và rõ ràng.
Lưu ý:
Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia, căn cứ khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP:
– Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
– Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Quy định này phù hợp với mục đích của hôn nhân là vợ, chồng cùng đồng hành, đóng góp và chia sẻ trách nhiệm trên mọi phương diện cuộc sống;
– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Khi ly hôn, Tòa án chỉ phân chia tài sản chung cho vợ, chồng. Tuy nhiên, con cái vẫn có thể được chia tài sản trong trường hợp cha mẹ có thỏa thuận chia tài sản cho con cái hoặc con cái là đồng sở hữu tài sản với cha mẹ.
II. THỦ TỤC YÊU CẦU PHÂN CHIA TÀI SẢN
Việc vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung khi ly hôn được thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi thường trú của vợ/chồng
Hồ sơ khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia tài sản khi ly hôn bao gồm:
– Đơn khởi kiện về việc ly hôn, trong nội dung đơn ghi rõ yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng;
– Giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản sao trích lục được cấp từ sổ gốc (Bản chính);
– Giấy khai sinh của các con chung, nếu có (Bản sao chứng thực);
– Sổ hộ khẩu (Bản sao công chứng);
– Bản sao công chứng giấy tờ tùy thân: CMND/CCCD/Hộ chiếu của vợ/chồng;
– Bản sao công chứng các Giấy tờ chứng minh tài sản chung của vợ chồng;
Ví dụ:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy đăng ký xe;…v.v
– Các tài liệu, chứng cứ khác có liên quan.
Hồ sơ có thể nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện.
Bước 2: Tòa án xem xét đơn
Nếu đơn hợp lệ, Tòa án ra thông báo đóng tiền tạm ứng án phí. Sau đó, người khởi kiện thực hiện nghĩa vụ đóng tiền tạm ứng án phí ly hôn.
Bước 3: Tòa án thụ lý vụ án
Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án tiến hành quá trình chuẩn bị xét xử trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày thụ lý.
Bước 4: Đưa vụ án ra xét xử
Thẩm phán mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Bản án, Quyết định của Tòa án sẽ có hiệu lực pháp lý nếu không có kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định.
Trên đây là những quy định hiện hành về phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Giải quyết tốt câu chuyện phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn giúp phòng tránh các tranh chấp về tài sản phát sinh sau này.
Mọi thắc mắc liên quan, Quý khách có thể liên hệ với Law Plus qua email info@lawplus.vn hoặc website, hotline 02862 779 399 / 0965 052 039 / 0966 008 030 (WhatsApp, Viber, Zalo).