Việc lựa chọn địa điểm đăng ký doanh nghiệp là một trong những bước đầu tiên nhưng rất quan trọng với bất kỳ nhà đầu tư nào. Đây không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động kinh doanh hàng ngày, mà còn là yếu tố góp phần xây dựng hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp trong mắt khách hàng, đối tác và các bên liên quan.
Qua bài viết này, LawPlus sẽ nêu ra một số lưu ý quan trọng trong việc lựa chọn địa điểm đăng ký kinh doanh. Theo đó, khách hàng có thể tìm được địa điểm để đăng ký kinh doanh phù hợp.
Table of Contents/Mục lục
1. Các địa điểm không được phép đăng ký kinh doanh và các địa điểm đặc biệt
Theo Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020, Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Căn cứ theo khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở 2014, quy định về hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; sử dụng phần diện tích được kinh doanh trong nhà chung cư theo dự án được phê duyệt vào mục đích kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ, kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn hoặc các hoạt động khác làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình, cá nhân trong nhà chung cư theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, khi đặt địa chỉ đăng ký kinh doanh, cá nhân, tổ chức cần tìm hiểu thêm về quy định địa phương như các khu vực hạn chế kinh doanh, quy định về bảng hiệu, giờ hoạt động, và tiếng ồn. Đối với khu vực như tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, tổ chức, cá nhân (đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài) cần tìm hiểu thêm quy định và tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý địa phương trước khi quyết định lựa chọn địa điểm.
>> Tham khảo thêm bài viết QUY TRÌNH THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM
2. Chứng minh quyền sử dụng/sở hữu hợp pháp địa điểm đăng ký kinh doanh
Để có thể đăng ký kinh doanh, cũng như vận hành doanh nghiệp sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức phải chứng minh được quyền sở hữu/quyền sử dụng hợp pháp đối với địa điểm nêu trên.
– Trong trường hợp cá nhân, tổ chức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam
Họ sẽ phải cung cấp giấy tờ chứng minh về địa điểm thực hiện dự án như Hợp đồng thuê (kèm theo các giấy tờ pháp lý của địa điểm thuê). Lưu ý, hợp đồng thuê phải thể hiện rõ thông tin bên thuê là nhà đầu tư và có quyền sử dụng điểm thuê nêu trên để thực hiện dự án đầu tư.
– Trường hợp cá nhân, tổ chức Việt Nam muốn thành lập công ty tại Việt Nam
Trường hợp này sẽ không bắt buộc phải cung cấp các tài liệu nêu trên, tuy nhiên vẫn phải chuẩn bị để đảm bảo các yêu cầu phát sinh từ cơ quan đăng ký kinh doanh.
Hiện nay, việc sử dụng địa chỉ văn phòng ảo để đăng ký kinh doanh diễn ra khá phổ biến. Pháp luật Việt Nam không có khai niệm về “văn phòng ảo” và cũng cấm việc sử dụng địa chỉ văn phòng ảo để đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm về chi phí thuê thì vẫn còn một số nhược điểm khi đăng ký văn phòng ảo như kiểm tra đột xuất của các cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý thuế bởi hoạt động kinh doanh chịu sự quản lý của nhiều cơ quan khác nhau.
3. Phù hợp với ngành, nghề dự kiến kinh doanh
Địa điểm đăng ký kinh doanh cần tuân thủ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề có điều kiện (chẳng hạn như an toàn phòng cháy, vệ sinh môi trường, hoặc giấy phép xây dựng nếu liên quan đến nhà xưởng, kho bãi, hoặc cửa hàng). Ví dụ, khi kinh doanh nhà hàng, cá nhân hoặc tổ chức cần chọn một địa điểm có diện tích đủ lớn để thiết kế và trang trí phù hợp, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy tại đó. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nếu muốn đăng ký sản xuất trực tiếp, họ phải lựa chọn địa điểm nằm trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, hoặc khu chế xuất chuyên biệt tương ứng với ngành nghề kinh doanh.
>> Thông tim tham khảo tại QUY ĐỊNH VỀ VỐN ĐẦU TƯ CỦA CÔNG TY NƯỚC NGOÀI KHI THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM
4. Một số lưu ý khác khi lựu chọn địa điểm đăng ký kinh doanh
Ngoài những yếu tố đã nêu, cá nhân và tổ chức cần chú ý đến một số vấn đề quan trọng khác khi lựa chọn địa điểm đăng ký kinh doanh, cụ thể:
– Vị trí địa lý:
Địa điểm cần phù hợp với nhu cầu kinh doanh, nằm ở khu vực có nguồn khách hàng tiềm năng dồi dào, và hỗ trợ tốt cho các hoạt động kinh doanh dự kiến.
– Khả năng cạnh tranh:
Đánh giá mức độ cạnh tranh tại khu vực xung quanh, đặc biệt từ các đối thủ hoạt động trong cùng lĩnh vực, để đảm bảo bạn có cơ hội phát triển.
– Chi phí thuê mặt bằng và các chi phí liên quan:
- Đảm bảo chi phí thuê nằm trong ngân sách dự kiến và tương xứng với tiềm năng doanh thu.
- Tính toán các chi phí khác như sửa chữa, trang trí, đầu tư trang thiết bị, bảo trì cơ sở hạ tầng để tránh phát sinh ngoài kế hoạch.
– An ninh và tiện ích:
Chọn địa điểm có an ninh tốt, môi trường vệ sinh đảm bảo, và đầy đủ các tiện ích cơ sở vật chất cần thiết để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh.
Những yếu tố này sẽ giúp bạn lựa chọn địa điểm phù hợp, góp phần vào sự thành công và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Việc lựa chọn địa điểm đăng ký doanh nghiệp là một quyết định mang tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động, uy tín thương hiệu và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. Các nhà đầu tư cần dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng về yêu cầu pháp lý, quy định và thủ tục để đảm bảo địa điểm được chọn không chỉ tuân thủ pháp luật mà còn phù hợp với mục tiêu kinh doanh.