&ev=PageView&noscript=1 />

QUY ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG THỬ VIỆC DÀNH CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG HIỆN HÀNH

Trong quan hệ lao động, giai đoạn thử việc thường được xem là bước đệm quan trọng để người sử dụng lao động đánh giá năng lực của người lao động, đồng thời giúp người lao động làm quen với công việc và môi trường làm việc mới. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng bắt buộc phải có giai đoạn thử việc trước khi ký kết hợp đồng lao động chính thức.

Vậy pháp luật Việt Nam hiện hành quy định như thế nào về thử việc? Liệu người sử dụng lao động và người lao động có bắt buộc phải ký hợp đồng thử việc hay không? Những nội dung quan trọng nào cần được lưu ý trong hợp đồng thử việc? Các vấn đề này sẽ được LawPlus phân tích cụ thể trong bài viết dưới đây nhằm giúp người lao động và người sử dụng lao động nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình, đảm bảo việc tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

1. Có bắt buộc phải thử việc trước khi ký hợp đồng lao động không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về việc thử việc. Nội dung này có thể được ghi trực tiếp trong hợp đồng lao động hoặc thể hiện qua hợp đồng thử việc riêng biệt. Như vậy, pháp luật không quy định bắt buộc phải thử việc trước khi ký hợp đồng lao động.

Điều này có nghĩa là việc thử việc phụ thuộc hoàn toàn vào sự thỏa thuận giữa hai bên. Nếu người lao động và người sử dụng lao động đồng thuận, họ có thể ký kết hợp đồng lao động chính thức mà không cần giai đoạn thử việc. Ngoài ra, các bên cũng có thể thỏa thuận về nội dung thử việc trong cùng một hợp đồng lao động, thay vì phải lập riêng hai loại hợp đồng (hợp đồng lao động và hợp đồng thử việc).

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng theo Khoản 3 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng thì không áp dụng chế độ thử việc. Điều này đồng nghĩa với việc trong các hợp đồng lao động ngắn hạn như vậy, thử việc sẽ không được thực hiện.

2. Quy định ký hợp đồng thử việc theo quy định hiện hành

Pháp luật không bắt buộc việc ký hợp đồng thử việc. Quyết định thử việc hoặc ký hợp đồng thử việc hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, ngoại trừ trường hợp ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng. Trong trường hợp này, chế độ thử việc không được áp dụng.

Hợp đồng thử việc, nếu được ký kết, cần tuân thủ quy định tại Khoản 2 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019. Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc bao gồm các thông tin quan trọng sau:

  1. Thời gian thử việc: Hai bên sẽ thỏa thuận thời gian thử việc dựa trên tính chất và độ phức tạp của công việc. Theo quy định, thời gian thử việc chỉ được thực hiện một lần đối với mỗi công việc và không được vượt quá các mốc thời gian sau:
    • Tối đa 180 ngày đối với công việc quản lý doanh nghiệp.
    • Tối đa 60 ngày đối với công việc yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
    • Tối đa 30 ngày đối với công việc yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, hoặc nhân viên nghiệp vụ.
    • Tối đa 06 ngày làm việc đối với các công việc khác.
  2. Thông tin của người sử dụng lao động: Hợp đồng cần ghi rõ tên, địa chỉ và thông tin của người đại diện ký hợp đồng. Thông tin này phải trùng khớp với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các văn bản pháp lý liên quan.
  3. Thông tin của người lao động: Bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, và các thông tin pháp lý như số căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu. Trường hợp người lao động là người nước ngoài, cần bổ sung thêm số giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
  4. Tiền lương trong thời gian thử việc: Mức lương thử việc do hai bên thỏa thuận, nhưng không được thấp hơn 85% mức lương của công việc đó.
  5. Công việc và địa điểm làm việc: Hợp đồng cần nêu rõ những công việc người lao động phải thực hiện và địa điểm làm việc cụ thể. Trong trường hợp người lao động làm việc ở nhiều địa điểm, cần liệt kê đầy đủ các địa điểm này.
  6. Thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi: Nội dung này sẽ được thỏa thuận giữa hai bên hoặc tuân theo các quy định trong nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể và pháp luật lao động.
  7. Trang bị bảo hộ lao động: Hợp đồng cần liệt kê các loại phương tiện bảo vệ cá nhân mà người lao động được trang bị trong quá trình làm việc, phù hợp với thỏa thuận hoặc quy định pháp luật.

Bài viết liên quan